Shark Tank: phần mềm cho thuê theo dịch vụ SaaS lỗi thời, chỉ có lỗ

Shark Hùng Anh cho rằng, với định giá doanh nghiệp 10 triệu USD, tính đơn giản với lãi suất Fed ở mức 6% cũng ra được 600.000 USD.

 

Startup mảng SaaS lên Shark Tank gọi vốn

Startup thành lập từ 2018 cung cấp phần mềm SaaS


Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 5, Đức Nguyễn – đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của SaleMall - cho biết công ty anh được thành lập từ đầu năm 2018, cung cấp 7 sản phẩm phục vụ quản lý bán hàng và marketing như: hệ thống cung cấp nguồn hàng; hệ thống quản lý bán hàng đa kênh; marketing tự động bằng công nghệ AI; chatbot, callbot; cổng kết nối với đơn vị vận chuyển; hệ thống thanh toán, học viện…

Sau 5 năm phát triển, SaleMall đã có hơn 300 ngàn users (người dùng) và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đến Shark Tank, Đức Nguyễn muốn kêu gọi đầu tư 1,1 triệu USD cho 10% cổ phần. Số tiền này nhằm mở rộng sang thị trường các nước Đông Nam Á và đầu tư công nghệ, đặc biệt công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).


Startup từ 2018 trả lời câu hỏi của các shark


Trả lời câu hỏi của các Shark về bức tranh tài chính, Đức Nguyễn cho biết, SaleMall đã hòa vốn vào năm 2021. Đến năm 2022, doanh thu của SaleMall đạt 600 ngàn USD, đến từ 3 sản phẩm chính là: hệ thống SaaS (Software as a service – phần mềm dạng dịch vụ), phần mềm quản lý bán hàng và phần mềm marketing tự động. SaleMall đang cung cấp dịch vụ cho hơn 100 ngàn khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Trong đó, có gần 32 ngàn shop trả tiền.

- “Bạn tự tin doanh thu sang năm bao nhiêu?”, Shark Hùng Anh hỏi.

- 1 triệu USD

- Giờ định giá doanh nghiệp 10 triệu USD? Lãi suất của Fed giờ 5-6%/năm. 1 năm 10 triệu USD ra được 600.000 USD đúng không...

- So sánh con số lãi suất thì có rất nhiều kênh đầu tư an toàn hơn rất nhiều. Đây là chúng ta đầu tư vào startup...

- Có khả năng mất vốn? Mất hết luôn!

SaaS viết tắt Software-as-a-Service khó ăn, không giàu được


Shark Bình cho biết SaaS (viết tắt của Software-as-a-Service, tạm hiểu là mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm) là lĩnh vực quen thuộc bởi ông là một trong những người làm đầu tiên ở Việt Nam, cách đây hơn 15 năm, có nhiều thành công và thương đau với ngành này.


“Làm SaaS tại Việt Nam thực sự ráo mồ hôi là hết tiền, suốt ngày chúng ta vật lộn mà không có tiền. Ngành này tại Việt Nam chưa nhìn thấy cửa giàu. Vì vậy tôi chưa đầu tư”, Shark Bình nói.

Ông cũng phân tích mô hình của startup tưởng là không có giá vốn, nhưng thực ra giá giá vốn ẩn rất cao. Giá vốn đầu tiên là chi phí bán hàng có thể lên đến 50 - 70% doanh thu. Chi phí ẩn tiếp theo là tỉ lệ retention (khách hàng quay lại) rất thấp, thông thường chỉ từ 20 – 30%. Và tất cả dẫn đến lifetime value – giá trị vòng đời của một khách hàng cực kỳ thấp.

“Shark đã nói ra nỗi lòng của các cofounder của môn SaaS. 4 năm đầu tiên, có những thời điểm các BOD (Ban giám đốc - PV) phải đi vay mượn, thế chấp nhà all-in vào trận đấy. Nhưng thời điểm ấy đã qua”, Đức tâm sự.

Đức Nguyễn cũng cho biết, Sale Mall có kế hoạch phát triển dài hạn với hai mũi nhọn. Thứ nhất là tập trung vào công nghệ AI để go global (ra thế giới). Thứ hai là cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến thương mại điện tử.

“Chúng tôi cần sự đồng hành của các nhà đầu tư để đánh một trận to hơn và bài bản hơn. Chứ nếu chỉ trông vào revenue (doanh thu) của SaaS thì tôi nghĩ là chúng tôi không cần gọi vốn”, Đức Nguyễn bày tỏ.

Shark Hưng cho biết, startup định giá doanh nghiệp lên đến chục triệu USD nhưng chưa nhìn thấy điểm đặc biệt trong khi những ứng dụng kiểu này đã tương đối bão hòa. Nhận thấy cuộc chơi của startup còn cần “đốt tiền” rất nhiều nên ông từ chối đầu tư.

“Tháng trước, một công ty của tôi tập trung vào phần mềm quản lý bán hàng đã chết rồi. Mất tiền. Hiện tại tôi sợ”, Shark Erik lên tiếng và không đầu tư.

Shark Hùng Anh cũng từ chối thương vụ bởi hiệu quả kinh doanh thấp. Shark Tuệ Lâm cho biết những chỉ số mà startup đưa ra chưa đủ hấp dẫn nên cô cũng không đầu tư.

Bình An
Theo Nhịp sống thị trường