Bí mật nào giúp hàng Trung Quốc giao cho khách Việt Nam quá nhanh, quá rẻ?

Nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam, thông qua các sàn thương mại điện tử, đã mua hàng Trung Quốc nhiều hơn hàng trong nước nhờ hàng hóa phong phú, giá rẻ, giao nhanh và cước vận chuyển thấp hơn mua nội địa.

 

Các đơn vị bán hàng và giao nhận trong nước đang đối mặt với làn sóng hàng giá rẻ, ship rẻ từ hàng hóa Trung Quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hàng Trung Quốc có "bí mật" gì để giành thị trường hàng Việt và giá cước siêu rẻ đến thế?

Đặt đồ Trung Quốc nhiều hơn hàng Việt

Là khách hàng quen thuộc trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, chị Vũ Thị Thu Hương (ngụ quận 5) cho biết lâu nay đã lên mạng đặt hàng quốc tế giao về Việt Nam. Từ mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại đến đồ gia dụng đều đặt hàng từ Trung Quốc thay vì mua ở nội địa.

"Giá rẻ, cước thấp, giao hàng nhanh chóng, tính ra tiết kiệm hơn mua và giao hàng trong nước nên đâu chỉ mình tôi mà rất nhiều người khác cũng mua từ Trung Quốc", chị Hương cho hay.

Để chứng minh, Hương kể mua một chiếc ấm nước loại 2,5l, cước vận chuyển từ Trung Quốc về TP.HCM giá 17.000 đồng nhưng nếu mua tại TP.HCM thì phí giao về nhà là 20.000 đồng, còn nếu mua của shop từ Hà Nội vào thì giá cước lên tới 60.000 đồng.

Tương tự, chị Hoàng Thanh Hằng (ngụ Gò Vấp) chia sẻ trước kia thường tìm mua quần áo trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Tao Bao, 1688 thông qua các bên trung gian tại Việt Nam.

Tuy nhiên khoảng 2-3 năm gần đây, các shop nổi tiếng trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc đổ bộ vào các sàn thương mại điện tử Việt nên Hằng cũng chuyển từ đặt hàng qua trung gian sang đặt hàng trực tiếp. "Quần áo Trung Quốc tuy không quá bền nhưng mẫu mã đa dạng, đẹp, rẻ và "hợp mốt" hơn các shop Việt", chị Hằng cho hay.

Bắt đầu là thời trang, sau đó Hằng mua nhiều các loại đồ gia dụng, phụ kiện, mỹ phẩm nội địa Trung Quốc đến mức nhiều hơn cả mua các shop trong nước.

"Cùng một chiếc bờm tóc nếu shop trong nước bán giá 15.000 đồng còn shop quốc tế chỉ bán 10.000 đồng, tiền vận chuyển lại rẻ hơn, chất lượng không chênh lệch nên mình thường chọn shop quốc tế. Giờ đặt 10 đơn thì đến 6-7 đơn của mình là shop nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc", Hằng chia sẻ.

Ship siêu rẻ nhờ đâu?

Nhiều công ty chuyên nhận đặt hàng và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam cho biết nhu cầu hàng trên các nền tảng quen thuộc hiện nay như Taobao, Shopee đang được các chủ shop ở Việt Nam quen dùng.

Càng về cuối năm, khi các shop chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết thì đơn hàng càng dồn dập được gửi đi, rồi tìm đơn vị chuyên vận chuyển để lên lịch đưa hàng về. Có công ty chuyên gom đơn cử người sang Trung Quốc gần một tháng để tìm thêm kho, chuẩn bị hàng Tết.

Chủ một shop chuyên bán đồ Trung Quốc cho hay khi đặt đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, chủ hàng sẽ gửi đơn hàng về kho tập kết, phân loại tại Trung Quốc với thời gian rất nhanh, chỉ trong 24 giờ.

Từ kho, hàng lên xe di chuyển về Quảng Ninh rồi Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. "Từ khi khách đặt đơn đến nhận hàng từ Trung Quốc - Hà Nội khoảng ba ngày. Trong khi đó, chuyển hàng từ TP.HCM - Hà Nội, dùng dịch vụ thông thường khoảng 4-7 ngày", chủ shop này cho hay.

Một doanh nghiệp khác cho biết cách tổ chức hoạt động cung ứng logistics của thị trường Trung Quốc rất khác, tối ưu về chi phí nên cực rẻ. Chẳng hạn, hàng tập kết ở các kho Trung Quốc rất gần biên giới Việt Nam.

Khối lượng đơn hàng đi một lần từ Trung Quốc về Việt Nam nhiều hơn cũng làm giảm giá thành và giá vận chuyển trên mỗi đơn vị.

Ông Phạm Tấn Đạt, tổng giám đốc Công ty Fado Việt Nam, cho biết chính sách của Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong sự thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước này.

Theo đó, kể từ khi việc xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang nhiều khu vực khác trên thế giới như Âu, Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng Mỹ - Trung, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

"Mỗi vận đơn của các doanh nghiệp Trung Quốc xuất đi đều được chính phủ hỗ trợ chi phí. Lượng chi phí này thậm chí còn đủ bù đắp để doanh nghiệp Trung Quốc miễn phí vận chuyển hàng về Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ lâu các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam. Do đó khi có đơn hàng, họ có thể xuất kho đưa hàng về Việt Nam chỉ trong vòng 8 giờ", ông Đạt nhận xét.

Theo ông Đạt, một yếu tố khác khiến hàng từ Trung Quốc được bán và giao rất nhanh tại Việt Nam là từ lượng hàng trả về do khách hàng từ chối mua.

"Khách hàng đặt mua theo dạng thanh toán khi nhận hàng (COD) nhưng sau đó lại đổi ý hủy đơn. Việc hủy đơn dạng này ở Việt Nam rất phổ biến nên người bán thu hàng về nhưng không đưa lại Trung Quốc mà vẫn để ở Việt Nam.

Với hàng này, doanh nghiệp đưa lại lên sàn bán tiếp với giá còn thấp hơn trong các chương trình khuyến mãi, sale khủng... Khi khách đặt hàng thì có thể giao ngay trong ngày", ông Đạt cho biết.

Cũng theo ông Đạt, một lợi thế cạnh tranh rất lớn nữa của các doanh nghiệp Trung Quốc là họ có đủ nguồn lực để sản xuất các sản phẩm với số lượng lớn, chi phí thấp. Việc này càng khiến giá thành sản phẩm của họ thấp.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng luôn là nơi tạo ra các xu hướng mua sắm các đồ dùng gia dụng hay các sản phẩm linh kiện, sau đó mới lan tới Việt Nam. Việc này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc chủ động trong việc tổ chức sản xuất và đẩy hàng sang Việt Nam để tiêu thụ với chi phí và giá thành rất cạnh tranh.

Ship hàng từ Trung Quốc về Việt Nam: "Ship bao nhanh, cước bao rẻ"?

Đó là những lời quảng cáo của nhiều đơn vị chuyên nhận đơn đặt hàng trên các nền tảng quen thuộc hiện nay như Taobao, Shopee và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Nhiều khách hàng cũng "choáng" khi đặt một đơn hàng từ Trung Quốc về Hà Nội giá cước rẻ, thời gian nhanh hơn từ TP.HCM - Hà Nội. Nghịch lý này thu hút khách hàng quan tâm khi nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao.

Dù doanh nghiệp Việt có cải thiện tốc độ, giá cước chuyển hàng nội địa nhưng vẫn thua xa khi ship hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.

Giá cước Việt Nam đã rẻ nhưng thua xa Trung Quốc

Theo nhiều doanh nghiệp, cuộc cạnh tranh về giá giao vận tại Trung Quốc và Việt Nam hiện có nhiều thay đổi đáng kể. Các doanh nghiệp trong nước đã cải thiện tốc độ và chi phí, song nhiều lý do khác nhau về hạ tầng, đường sá, công nghệ... khiến chi phí chuyển phát tại Việt Nam vẫn thua xa.

Tại tọa đàm gần đây về logistics diễn ra ở TP.HCM, ông Mai Hoàng - đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc Công ty GHN Logistics - thông tin hiện tại chi phí vận chuyển một đơn hàng tại Trung Quốc có những thời điểm đã kéo về 3 NDT/đơn, tương đương 10.000 đồng.

Còn tại Việt Nam, trong 10 năm qua chi phí vận chuyển đã giảm gần 50%, từ 40.000 đồng giảm còn khoảng 25.000 đồng. Đây không chỉ là sự cạnh tranh về giá của các nhà vận chuyển mà còn là yêu cầu của thị trường thương mại điện tử.

Khốc liệt giành đơn hàng

Nhân viên văn phòng một tòa nhà tại quận 1, TP.HCM nhận hàng mua online - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam đang nóng bỏng với sự đổ bộ của các đối thủ nước ngoài khá mạnh như J&T Express, Best Express, Kerry Express... Dù tới sau nhưng họ nhanh chóng mở rộng thị trường bằng mô hình nhượng quyền, đầu tư gián tiếp, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, thậm chí áp dụng cước phí vận chuyển 0 đồng để giành thị phần...

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp như Giao hàng tiết kiệm, Nhất Tin Logistics, Giao hàng nhanh... không có thế mạnh về mạng lưới nhưng có lợi thế công nghệ và sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư, sẵn sàng chịu lỗ vài năm để giành thị phần.

Do thiếu mạng lưới toàn quốc nên họ phải hợp tác với các công ty truyền thống để thực hiện các đơn hàng liên thành phố hoặc tại khu vực nông thôn, làm cho giá các đơn hàng này cao hơn, giảm hiệu quả cạnh tranh về chi phí.

Khó càng thêm khó khi nhóm khách hàng chiếm tỉ trọng lớn của ngành chuyển phát như Lazada, Shopee, Tiki cũng tự xây dựng hệ thống vận chuyển riêng khiến các doanh nghiệp chuyển phát mất lượng đơn hàng rất lớn...

Nhiều doanh nghiệp mở thêm dịch vụ mới vận chuyển hàng không với chi phí chênh lệch hơn với đường sắt, đường bộ nhưng ưu tiên về tốc độ giao hàng...

Đức Thiện